Tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

(ANTV) – Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ Tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh nội dung trên khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Đồng thời, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu để áp dụng cơ chế xử lý phù hợp, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu của khoản vay không đúng quy định.

Cũng trong phiên làm việc sáng này Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ nêu rõ Việc xây dựng Luật nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *